Thông tin quy hoạch thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040

thông tin quy hoạch Bảo Lộc

Cùng với lợi thế về điều kiện tự nhiên và sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, TP. Bảo Lộc đang trở thành điểm sáng thu hút đầu tư của khu vực phía Nam tỉnh Lâm Đồng. Đồng thời, thành phố này cũng đưa ra dự án quy hoạch để phát triển hơn trong tương lai.

Theo dõi bài viết dưới đây của Cẩm nang bất động sản để cập nhật thông tin quy hoạch thành phố Bảo Lộc

1. Phạm vi quy hoạch thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng

Tổng diện tích tự nhiên 597,71 km2 (59.771 ha), gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thành phố Bảo Lộc (06 phường, 05 xã) và vùng phụ cận thuộc huyện Bảo Lâm (gồm 05 xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Thành, Lộc Nam, Tân Lạc). Ranh giới lập quy hoạch chung như sau:

  • Phía Đông: giáp huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng.
  • Phía Tây: giáp huyện Đạ Tẻh và huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng.
  • Phía Nam: giáp huyện Tánh Linh và huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận.
  • Phía Bắc: giáp các xã còn lại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu phát triển Bảo Lộc

  • Quy hoạch và phát triển thành phố Bảo Lộc trở thành đô thị loại II vào năm 2025 và tiếp tục xây dựng thành phố tiệm cận tiêu chí đô thị loại I vào năm 2040, theo xu hướng quy mô tương đương tỉnh lỵ.
  • Xây dựng thành phố Bảo Lộc trở thành thành phố thông minh giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030.
  • Là đầu mối giao thông về đường bộ của vùng, trở thành một điểm đến hấp dẫn phía Nam của tỉnh. Phát triển các trung tâm chuyên ngành cấp vùng và quốc gia bao gồm: thương mại – dịch vụ – du lịch, trung tâm văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia, trung tâm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ.
  • Phát triển bền vững, có bản sắc, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng linh hoạt các nhu cầu phát triển trong nền kinh tế thị trường và bối cảnh hội nhập quốc tế.
  • Phát triển không gian thành phố Bảo Lộc đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo chiến lược tăng trưởng xanh, trở thành một đô thị hiện đại, sinh thái gắn với các làng đô thị xanh và đặc thù cảnh quan của xứ B’Lao.
  • Vùng phụ cận thành phố Bảo Lộc sẽ phát triển theo hướng hỗ trợ và tương tác lẫn nhau với các chức năng đô thị của thành phố Bảo Lộc theo tiềm năng, lợi thế riêng của từng địa phương theo hướng tích cực, bền vững và thông minh.

3. Tính chất quy hoạch thành phố Bảo Lộc

  • Là đô thị hạt nhân phía Nam tỉnh Lâm Đồng; đô thị tổng hợp hiện đại, thành phố thông minh; quy mô phát triển tương đương tỉnh lỵ trong tương lai.
  • Là đô thị tăng trưởng xanh và bền vững, mang đặc trưng phù hợp với yêu cầu phát triển trong tình hình mới và yêu cầu về thu hút đầu tư; kiến tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
  • Là trung tâm dịch vụ – thương mại hỗn hợp; Trung tâm văn hóa thể thao cấp quốc gia; trung tâm nông nghiệp chuyên canh theo hướng công nghệ cao, nghiên cứu đổi mới sáng tạo sản phẩm; trung tâm dịch vụ du lịch cấp vùng và quốc gia; trung tâm y tế và giáo dục – đào tạo cấp vùng; trung tâm nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe cấp vùng và quốc gia; trung tâm kiểm định hàng hóa và xuất nhập khẩu cấp vùng,…
  • Trung tâm kết nối giao thương của vùng tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, vùng Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ.
  • Có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Tây Nguyên.

4. Quy hoạch định hướng phát triển không gian thành phố Bảo Lộc

Mô hình phát triển đô thị Bảo Lộc

Cấu trúc đô thị thành phố Bảo Lộc và vùng phụ cận phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và các cụm động lực được kết nối bởi tuyến vành đai xanh.

Định hướng phát triển đô thị Bảo Lộc

Đô thị sinh thái, thông minh, đa chức năng, trong đó:

  • Thành phố Bảo Lộc: là đô thị trung tâm phát triển các chức năng của đô thị tỉnh lỵ.
  • Vùng phụ cận: phát triển theo định hướng nông nghiệp đô thị sinh thái; nông nghiệp công nghệ cao; du lịch nông nghiệp; nông nghiệp nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái kết hợp với bảo tồn không gian tự nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học. Hình thành các cụm đô thị động lực hỗ trợ cho sự phát triển của đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc.

Bản đồ quy hoạch Bảo Lộc các phân khu chức năng

Đô thị trung tâm thành phố Bảo Lộc

Gồm các phân khu:

  • Phân khu hiện trạng chỉnh trang: các khu vực dân cư hiện hữu được cải tạo, chỉnh trang theo hướng xác định giá trị cốt lõi, bảo tồn và phát huy bản sắc kiến trúc, lịch sử và văn hóa.
  • Phân khu công viên hồ Nam Phương: là công viên trung tâm đô thị cấp vùng; được phát triển thành trung tâm sinh thái độc đáo, kết nối không gian thiên nhiên, cây xanh, mặt nước với trung tâm đô thị; là không gian công cộng đa chức năng với cảnh quan sinh thái phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí của nhân dân.
  • Phân khu trung tâm hành chính mới phía Bắc: là trung tâm hành chính cấp vùng, thương mại dịch vụ; hệ thống hạ tầng đồng bộ, đảm bảo kết nối giao thông thuận tiện giữa các khu vực.
  • Phân khu đô thị mới phía Đông: phát triển đô thị theo từng cụm.
  • Phân khu công nghiệp phía Nam: giữ nguyên khu công nghiệp Lộc Sơn và phát triển các ngành công nghiệp hạn chế ô nhiễm môi trường; tập trung phát triển công nghiệp chế biến và công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ nông nghiệp, may mặc,…
  • Phân khu phát triển giáo dục đào tạo chất lượng cao phía Tây: phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên, phát triển các trung tâm nghiên cứu, đào tạo,…
  • Phân khu phát triển cụm y tế, công viên đô thị, trung tâm văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia tạo nên không gian mở kết hợp với khu vực cây xanh và không gian mặt nước tạo cảnh quan sinh thái cho đô thị.
  • Phân khu dự trữ phát triển đô thị phía Tây Bắc: phát triển khu vực này theo mô hình đô thị nhà vườn.

Khu vực tuyến đường vành đai xanh

Là vùng không gian đệm, quy hoạch các cực phát triển đô thị với chức năng đặc thù, là cửa ngõ gắn kết thành phố với vùng phụ cận; khoảng xanh bảo vệ có bề rộng 50m mỗi bên sẽ là không gian tổ chức các hoạt động cộng đồng; đồng thời quản lý trật tự xây dựng nghiêm ngặt, hạn chế phát triển dân cư ảnh hưởng đến cảnh quan đường vành đai xanh; không được xây dựng mới, từng bước di dời công trình đã xây dựng.

Khu vực vùng phụ cận ngoài tuyến đường vành đai

  • Núi Đại Bình, Núi Sapung, sông Đại Bình, sông Đại Nga là khu vực khai thác du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe với mật độ thích hợp. Ngoài ra, tại khu vực đất quy hoạch ngoài 3 loại rừng, có thể thu hút đầu tư phát triển một số vị trí để xây dựng đô thị sinh thái mật độ trung bình và thấp.
  • Phát triển các khu vực tạo động lực, hỗ trợ khu vực đô thị trung tâm, gồm: khu vực trung tâm liên xã Lộc An, cụm du lịch xã ĐamB’ri, xã Đại Lào,…
  • Phát triển khu vực du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp chất lượng cao, du lịch khám phá các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc, du lịch làng nghề kết hợp quảng bá về ngành nghề trà, tơ lụa gắn kết việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; nâng cấp các khu du lịch hiện hữu.
  • Khu vực các xã lân cận: phát triển theo mô hình các làng ven đô, làng đô thị xanh kết hợp hài hòa giữa các khu vực phát triển dân cư tập trung với các vùng sản xuất nông, lâm nghiệp; trong đó, đặc biệt chú trọng việc bảo tồn các không gian nông, lâm nghiệp để hình thành các vùng cây xanh vùng ven.
  • Định hướng phát triển không gian khu vực ngoại ô, các điểm dân cư nông thôn được quản lý theo mô hình nông thôn mới, có hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, các làng đô thị xanh, đảm bảo sự phát triển hài hoà giữa nông thôn và đô thị, tiếp cận tiện ích đô thị và thích ứng với biến đổi khí hậu.

5. Bản đồ quy hoạch giao thông thành phố Bảo Lộc

  •  Giao thông đối ngoại: đảm bảo giao thông xuyên suốt và kết nối thuận lợi từ khu vực quy hoạch với các tuyến đường giao thông ngoài khu vực quy hoạch như: cao tốc Dầu Giây – Liên Khương, Quốc lộ 20, Quốc lộ 55, các tuyến ngoại thị kết nối thành phố Bảo Lộc đi các vùng phụ cận.
  • Đường vành đai xanh: Vành đai xanh có lộ giới từ 30 m đến 49 m và hai hành lang xanh mỗi bên có chiều rộng 50 m.
  • Đường trục chính đô thị: đường giao thông Trục Đông – Tây có lộ giới 27-50m; 02 đường giao thông trục chính đô thị Bắc – Nam, gồm tuyến đường: Đinh Tiên Hoàng – Hai Mươi Tám Tháng Ba – Trần Quốc Toản; Lý Thường Kiệt – Phạm Ngọc Thạch – Chi Lăng, có lộ giới từ 27-40m.
  • Đường chính đô thị, đường liên khu vực đảm bảo đúng chức năng, phù hợp với định hướng phát triển không gian đô thị.
  • Bến xe, bãi đỗ xe: mở rộng bến xe Đức Long Bảo Lộc lên 4ha, bố trí các bãi đỗ xe gần các trục đường chính đô thị với quy mô 0,5 – 2ha.
  • Giao thông cộng cộng: phát triển hệ thống xe buýt, xe điện và các phương tiện giao thông công cộng thân thiện với môi trường để đảm bảo giao thông được kết nối thuận tiện giữa các khu chức năng.

6. Quy hoạch định hướng thiết kế đô thị Bảo Lộc

  • Xây dựng thành phố Bảo Lộc là đô thị sinh thái, xanh trên cơ sở cảnh quan thiên nhiên chủ đạo là khu vực núi Đại Bình, thác ĐamB’ri kết hợp với hệ thống cây xanh, mặt nước (hồ, sông, suối).
  •  Định hướng kiến trúc cảnh quan đô thị hiện đại gắn với bảo tồn kiến trúc có bản sắc của địa phương.
  • Khu trung tâm hiện hữu: xây dựng các công trình kiến trúc với mật độ cao kết hợp với chỉnh trang đảm bảo vừa hiện đại, vừa gắn với văn hóa bản địa; tổ chức các công trình điểm nhấn xung quanh quảng trường và không gian mở, nghiên cứu mở rộng không gian đi bộ và không gian sinh hoạt cộng đồng.
  • Khu vực trung tâm hành chính mới: xây dựng mật độ cao kết hợp không gian cây xanh, mặt nước và hệ thống trung tâm thương mại, hỗn hợp,… với kiến trúc thân thiện với môi trường, cảnh quan đảm bảo đồng bộ, hài hòa, gắn kết với cảnh quan và không gian tổng thể của thành phố Bảo Lộc.
  • Khu đô thị mới phía Đông: xây dựng mật độ trung bình và thấp, diện tích không gian xanh lớn, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và các di tích lịch sử – văn hóa hiện hữu. Hình thành các công viên vui chơi giải trí, hệ thống hồ nước, các khoảng đệm và hành lang cây xanh, đảm bảo việc tiêu thoát nước và tạo không gian sinh thái cho khu đô thị mới.
  • Xây dựng hệ thống công viên trung tâm, trung tâm văn hóa – thể dục thể thao cấp quốc gia kết nối từ Bắc xuống Nam tại khu vực đô thị kết hợp hài hòa với không gian cây xanh, mặt nước tạo nên không gian mở cho đô thị.
  • Khu vực phía Tây: xây dựng mật độ cao, phát triển mô hình theo cụm để hình thành cụm giáo dục đào tạo chất lượng cao, các trung tâm nghiên cứu, đào tạo, trung tâm tài chính ngân hàng, khách sạn, thương mại dịch vụ,…
  • Các cực phát triển đô thị trên tuyến vành đai xanh (cực phát triển phía Bắc; cụm du lịch phía Nam gắn kết với núi Đại Bình; khu công nghiệp Lộc Sơn và các cụm công nghiệp khác hình thành trong thời gian tới): xây dựng mật độ trung bình, hình thành trục không gian thương mại – dịch vụ với các công trình cao tầng và tầng cao phù hợp với không gian, cảnh quan để tạo hình ảnh đặc trưng cho các cửa ngõ đô thị.
  • Các khu vực trung tâm liên xã, các xã lân cận (cụm động lực): xây dựng mật độ trung bình và thấp.
  • Định hướng phát triển không gian khu vực ngoại ô, các điểm dân cư nông thôn đáp ứng tiêu chí theo mô hình nông thôn mới.
  • Cải tạo, chỉnh trang cho trục trung tâm hành chính (trục kết nối từ trung tâm hành chính cũ qua hồ Nam Phương sang khu trung tâm mới).
  • Xây dựng quảng trường, không gian mở và các công trình điểm nhấn có hình thức kiến trúc hiện đại, độc đáo với chiều cao và khoảng lùi phù hợp tại các vị trí trung tâm.
  • Hình thành các không gian cây xanh đa dạng của đô thị như: công viên trung tâm, vành đai xanh bao quanh; hành lang xanh cách ly của các khu, cụm công nghiệp; các công viên đô thị và công viên tự nhiên cấp vùng; kết hợp với bảo tồn và phát triển không gian mặt nước, hệ thống sông suối, đảm bảo tạo cảnh quan sinh thái và hỗ trợ tốt cho thoát nước đô thị; tuyến đường vành đai xanh chạy vòng quanh có hành lang 130 m (dải cây xanh bảo vệ mỗi bên 50m).
  • Núi Đại Bình, sông Đại Nga là không gian có cảnh quan tự nhiên đặc trưng phải được bảo tồn và nghiên cứu phát triển du lịch ở khu vực này.

7. Những dự án ưu tiên đầu tư tại thành phố Bảo Lộc

  • Hoàn thành tuyến đường vành đai phía Nam và đầu tư xây dựng mới vành đai phía Bắc.
  • Đầu tư xây dựng vành đai xanh.
  • Xây dựng trung tâm hành chính tại khu vực quy hoạch mới.
  • Xây dựng Khu sinh hoạt Thanh Thiếu niên thành phố.Cải tạo suối Hà Giang, phường 1.
  • Đầu tư dự án hồ BlaoS’re gắn với nạo vét sông, suối, hồ để phòng, chống ngập lụt trên địa bàn xã Lộc Châu, xã Đại Lào và phường B’lao.
  • Xây dựng bệnh viện chất lượng cao tại cơ sở cũ của bệnh viện II Lâm Đồng.
  • Đầu tư xây dựng dự án tổ hợp dịch vụ – khách sạn tiêu chuẩn 5 sao (tại khu vực chợ Bảo Lộc cũ).
  • Đầu tư xây dựng Khu du lịch sinh thái núi Sapung, núi Đại Bình.
  • Khu tổ hợp dịch vụ nghỉ dưỡng Lộc Phát.
  • Xây dựng hệ thống cấp nước, thu gom và xử lý nước thải tập trung.
  • Xây dựng nhà máy cấp nước, lấy nguồn nước từ hồ Lộc Thắng.
  • Cải tạo chỉnh trang các khu vực đô thị hiện hữu.
  • Nâng cấp, cải tạo nhà máy xử lý rác thải.
  • Xây dựng nhà tang lễ.
  • Xây dựng bổ sung các công trình hạ tầng xã hội phục vụ đô thị (trường học, trạm y tế, …).
  • Các dự án khu đô thị, khu dân cư,…

Trên đây là những thông tin và bản đồ quy hoạch thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2040. Hi vọng những thông tin hữu ích này sẽ giúp bạn tìm ra được hướng đầu tư đúng đắn nhất.